Tẩy Da Chết Cơ Bản Và Những Điều Bạn Cần Biết

Chắc hẳn các tín đồ nghiện skincare đã không còn xa lạ với phương pháp tẩy tế bào chết cho da. Bởi những lợi ích tuyệt vời mà phương pháp này mang lại, như việc giúp cải thiện bề mặt sần sùi của da, trả lại cho làn da vẻ sáng mịn, rạng ngời, cũng như loại bỏ các tế bào chết và bụi bẩn đang làm tắc nghẽn lỗ chân lông, ức chế sự hình thành mụn,...Tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng cách, việc tẩy tế bào chết rất dễ gây nên những tổn thương không đáng có cho da, khiến da trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng hơn và có thể gây ra những vết thâm. Chính vì vậy trước khi thực hiện bước tẩy da chết hay tất cả các bước chăm sóc khác trong quá trình Skincare bạn nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ càng về chúng trước khi thực hiện nhé!

emmie-by-happyskin-tay-da-chet-co-ban-1

Tẩy da chết là gì?

Tẩy tế bào chết (exfolitating) được hiểu đơn giản là một quá trình loại bỏ các tế bào chết và xỉn màu ở trên bề mặt da bằng các tác động vật lý, như: sử dụng các chất hoá học, các chất có hạt hoặc công cụ tẩy da chết.

Theo chu kỳ, trong khoảng 30 ngày hoặc lâu hơn, làn da của chúng ta sẽ thực hiện quá trình “tự động hoá” thay mới các tế bào da cũ để nhường chỗ cho các tế bào da mới xuất hiện trên bề mặt da. Lớp tế bào da mới này thường có đặc điểm là sáng hơn và mịn màng hơn. Tuy nhiên, bởi sự tác động từ một số các yếu tố như: tuổi tác, môi trường sống ô nhiễm, thời tiết thay đổi khắc nghiệt hoặc chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh,...khiến cho quá trình thay mới tế bào này bị trì trệ. Kết quả là một số tế bào chết không thể bong ra theo tự nhiên, chúng bị kẹt lại trong các lỗ chân lông.

Điều này vô tình đã tạo điều kiện cho mụn phát triển, bởi các tế bào chết không được bong ra đã ngăn cản luôn cả sự điều tiết tuyến bã nhờn và bụi bẩn. Tất cả giống như bị mắc kẹt trong một cái hố sâu, cho đến khi vi khuẩn xuất hiện thì chúng khiến lỗ chân lông bị viêm và hình thành nên mụn trứng cá.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng da bạn luôn sần sùi và kém mịn màng. Vì vậy, việc thực hiện tẩy tế bào chết định kỳ sẽ hỗ trợ quá trình thay mới tế bào diễn ra trơn chu hơn, mang lại sức sống và sự tươi trẻ cho làn da.

Có hai loại tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết được phân biệt thành hai dạng đó là Tẩy tế bào chết hoá học (Chemically) và Tẩy tế bào chết vật lý (Physically). Mặc dù chúng đều có khả năng loại bỏ tế bào chết cho da, thế nhưng cách làm việc của chúng lại khác nhau hoàn toàn.

Tẩy tế bào chết vật lý

Trong đó, tẩy tế bào chết vật lý là sử dụng lực ma sát từ các sản phẩm có chứa hạt hoặc sử dụng tay, các loại máy hoặc khăn, bàn chải,v..v để loại bỏ lớp da chết trên bề mặt da. Chúng chỉ hoạt động ở lớp trên cùng của da thông qua việc chà sát và massage.

Điểm cộng của dạng tẩy tế bào chết này là chúng thường mang lại hiệu quả tức thì sau khi thực hiện, bạn sẽ cảm nhận được các lỗ chân lông được làm sạch một cách rõ ràng nhất và da bạn trở nên sáng và mịn màng hơn hẳn. Ngoài ra, nhờ có sự tác động của lực massage, nên làn da sẽ được kích thích lưu thông máu, khiến da trở nên hồng hào.

Tuy nhiên, nếu bạn chà sát các sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý quá mạnh trên da hoặc các sản phẩm dạng này có những hạt scrub lớn và thô. Chúng sẽ rất dễ gây nên những tổn thương hoặc các vết xước trên da, mở ra “cánh cửa đón chào” sự xâm nhập của vi khuẩn. 

Tẩy tế bào chết hoá học

Trái ngược hoàn toàn với tẩy tế bào chết vật lý, cơ chế tẩy tế bào chết dạng hoá học lại tập trung vào việc hoà tan phần keo dính đang dính chặt những tế bào chết lại với nhau nhờ việc sử dụng các thành phần acid nhẹ, như BHAs, AHAs. Vì vậy, không chỉ loại bỏ các lớp da, loại tẩy tế bào chết này còn có thể thâm nhập sâu vào bên trong da, hoà tan các bã nhờn giúp lỗ chân lông thông thoáng từ tận gốc.

emmie-by-happyskin-tay-da-chet-co-ban-2

Chúng  có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như sữa rửa mặt, toner, hoặc serum,v.v… Loại tẩy tế bào chết hoá học là sự lựa chọn tuyệt vời với những làn da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc không chịu được sự chà sát mạnh. Tuy nhiên, bất kỳ một sản phẩm nào cũng đều có hai mặt và tẩy tế bào chết hoá học cũng vậy. Bạn nên lưu ý về việc kết hợp, nồng độ và tỷ lệ acid có trong sản phẩm để tránh làm da kích ứng hoặc ửng đỏ, sưng tấy.

Vì sao phải tẩy da chết?

Làn da của chúng ta có chu trình tự tái tạo và cứ theo chu kỳ chúng sẽ tự động đào thải các tế bào da cũ. Bạn có thể tưởng tượng quá trình này giống như một “cuộc di cư”, có đến hàng ngàn các tế bào sừng sẽ cùng nhau tiến lên trên bề mặt trên cùng của da. Sau đó, những tế bào sừng già hoá, chúng chết đi và rụng ra khỏi bề mặt da để nhường chỗ cho lớp tế bào mới, khoẻ hơn đẹp hơn hiện ra.

Tuy nhiên, một số tế bào sừng già không còn đủ sức để tự rời khỏi. Từ đó, chúng có thể bị mắc kẹt trên bề mặt da hoặc trong lỗ chân lông. Những tế bào này khiến cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn, kết cấu da trở nên thô ráp hơn, khô hơn và xỉn màu. Chính vì vậy, việc tẩy da chết sẽ giúp các tế bào già này “di cư” một cách dễ dàng hơn.

Một số lưu ý để tẩy da chết an toàn và hiệu quả

Lựa chọn loại tẩy da chết phù hợp với làn da

Nếu bạn đang sở hữu một làn da khô hoặc nhạy cảm, những sản phẩm tẩy tế bào chết dịu nhẹ sẽ là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có chứa hạt để loại bỏ da chết, bởi chúng khá “nặng đô” so với loại da này.  

emmie-by-happyskin-tay-da-chet-co-ban-3

Ngược lại, nếu bạn thuộc tuýp da dầu thì các sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý có chứa hạt scrubs sẽ giúp việc loại bỏ dầu, bụi bẩn và các tạp chất khác đang làm tắc nghẽn lỗ chân lông trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, sản phẩm tẩy tế bào chết hoá học cũng là một sự lựa chọn không tồi, nếu bạn đang sở hữu làn da dầu nhưng nhạy cảm. Bởi chúng có khả năng thẩm thấu qua lớp dầu nhờn, đi sâu và làm sạch các lỗ chân lông tắc nghẽn mà không cần phải thực hiện các thao tác chà sát mạnh bạo.

Tần suất thực hiện tẩy da chết

Việc thực hiện tẩy tế bào chết bao nhiêu lần trong một tuần sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là: Xác định được loại da của bạn và độ nặng nhẹ trong quá trình điều trị các vấn đề về da của bạn.

Ví dụ: Da dầu là loại da thường xuyên có lỗ chân lông bị bít tắc bởi lượng dầu thừa, tế bào chết, bụi bẩn và các tạp chất khác,...dựa vào đó ta có thể thực hiện tẩy tế bào chết cho loại da này từ 2-3 lần trong tuần. Còn với làn da khô và da thường, tần suất có thể giảm xuống từ 1-2 lần trong tuần. Và với da nhạy cảm, tần suất rút ngắn hết mức chỉ còn 1 lần trong tuần. 

Đừng quên dưỡng ẩm

Sau bước tẩy da chết, quan trọng nhất vẫn là thực hiện việc dưỡng ẩm và chống nắng. Bởi lúc này, làn da của chúng ta đang rất khô và cực kỳ nhạy cảm, vì vậy lựa chọn một sản phẩm có thể bổ sung độ ẩm ẩm tức thì sẽ giúp bảo vệ làn da bạn tránh khỏi những tác động đến từ bên ngoài.

emmie-by-happyskin-tay-da-chet-co-ban-4

Bạn có thể sử dụng Serum hoặc Ampoule có chứa Hyaluronic Acid - thành phần giúp làn da bổ sung lượng nước tuyệt vời và nhanh chóng. Sau đó, để làm tăng hiệu quả trong việc cung cấp độ ẩm cho da, bạn có thể sử dụng mặt nạ giấy có khả năng cấp ẩm, trong đó mặt nạ Emmié Happy Skin dòng cấp ẩm sâu là một gợi ý không tồi.